Khớp vai là một trong những khớp lớn nhất trên cơ thể và là khớp linh hoạt nhất, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Nó có mối liên quan chặt chẽ đến các rễ thần kinh cũng như hạch giao cảm ở cổ và phần trên của vùng lưng.
Do thường xuyên tham gia vào các hoạt động hàng ngày, lao động và thể thao nên khớp vai cũng rất dễ bị chấn thương. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng về sau.
Trong nội dung dưới đây Daiviet Sport sẽ chia sẻ về bệnh viêm quanh khớp vai. Qua đó giúp các bạn hiểu hơn về bệnh lý này: Nguyên nhân – triệu chứng – cách điều trị cũng như vận động trị liệu giúp hồi phục nhanh hơn.
Hiểu về bệnh viêm quanh khớp vai
Khi chúng ta bị tổn thương tại các bộ phận như: Vùng đốt sống cổ, trung thất, lồng ngực thì có thể gây ra các triệu chứng tại khớp vai như: Viêm co thắt bao khớp, viêm gân, từ đó gây ra tình trạng hạn chế vận động khớp vai.
Viêm quanh khớp vai được hiểu là các trường hợp bị đau và hạn chế vận động ở khớp vai do tổn thương phần mềm ở xung quanh khớp, bao gồm: Gân, cơ, dây chằng, bao khớp (không bao gồm tổn thương tại đầu xương sụn khớp, màng hoạt dịch). Trong đó, viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường phổ biến hơn cả.
Thể đông đặc khớp vai nguyên nhân chính là do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai, kèm theo sự hạn chế vận động của khớp vai. Mức độ đau có thể tăng từ nhẹ đến nặng.
Theo thống kê tại Việt Nam, viêm quanh khớp vai chiếm khoảng 2% dân số, và chiếm 12,5 trong tổng số các ca bệnh về khớp.
Nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ bị viêm quanh khớp vai
Nguyên nhân viêm quanh khớp vai bao gồm:
- Viêm dính khớp vai.
- Viêm bao hoạt dịch ở dưới mỏm cùng vai.
- Viêm bao hoạt dịch cùng viêm gân dài tại cơ nhị đầu cánh tay.
- Tình trạng thoái hóa gân, viêm gân chóp xoay (có thể có hoặc không lắng đọng canxi; Có thể rách hoặc đứt gân chóp xoay hoàn toàn hoặc không hoàn toàn).
Đối tượng có nhiều nguy cơ bệnh viêm quanh khớp vai gồm:
- Độ tuổi: Bệnh hay gặp ở những người từ 40 - 60 tuổi.
- Giới tính: Bệnh thường gặp nam giới nhiều hơn so với nữ.
- Nghề nghiệp: Người lao động chân tay, làm việc nặng, thường phải giơ tay lên cao hơn 90 độ cũng có nguy cơ bị viêm quanh khớp vai nhiều hơn.
- Người thường xuyên thực hiện các động tác có thể gây căng giãn gân ở cơ khớp vai như: Chơi tennis, golf, ném lao, ném tạ, bê vác vật nặng…
- Người có tiền sử chấn thương vùng vai: Ngã chống thẳng bàn hoặc khuỷu tay xuống sàn khiến lực dồn lên khớp vai. Ngoài ra là các chấn thương xảy ra ở phần mềm của khớp vai.
- Người từng trải qua phẫu thuật ở vai, nắn gãy các xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai.
- Những người trải qua thời gian bất động khớp vai kéo dài do đột quỵ, đang trong quá trình phục hồi sau bệnh nặng, hoặc phục hồi sau gãy xương cánh tay.
- Người mắc một số bệnh mãn tính như: Thấp khớp, tiểu đương, đột quỵ não, đau thắt lồng ngực, bệnh lý ở phổi và lồng ngực.
Triệu chứng viêm quanh khớp vai
Triệu chứng viêm quanh khớp vai thường là đau đớn và giảm biên độ vận động, thậm chí là không thể cử động khớp vai cho dù là tự vận động hay có người khác trợ giúp.
Bệnh viêm quanh khớp vai diễn biến theo 3 giai đoạn
Viêm quanh khớp vai giai đoạn 1: Đóng băng
Ở giai đoạn này người bệnh sẽ ngày càng thấy đau, nhất là khi cử động tay vai. Cơn đau thường dữ dội hơn vào buổi tối và khi bạn nằm nghiêng vào bên vai bị chấn thương. Dần dần, cơn đau trở nên tệ hơn, vai bị giảm biên độ vận động. Thời gian đóng băng thường kéo dài từ 6 – 9 tháng.
Viêm quanh khớp vai giai đoạn 2: Đông cứng
Các cơn đau có thể giảm nhẹ trong giai đoạn này nhưng tình trạng cứng vai thì vẫn còn. Các cơ vai bắt đầu teo nhẹ do không được vận động thường xuyên. Trong thời gian 4 – 6 tháng của giai đoạn đông cứng này người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Viêm quanh khớp vai giai đoạn 3: Tan băng
Chuyển động của vai dần dần được cải thiện. Có thể trở lại trạng thái bình thường, lấy lại sức mạnh, chuyển động gần như bình thường sau khoảng thời gian từ 06 tháng đến 24 tháng.
Chẩn đoán và điều trị viêm quanh khớp vai
Chẩn đoán viêm quanh khớp vai
Để chẩn đoán bệnh các bác sĩ dựa vào khám lâm sàng, chụp X-quang để loại trừ các tổn thương sụn cũng như xương khớp vai. Ngoài ra có thể tiến hành một số xét nghiệm như:
- Siêu âm khớp vai: Phát hiện các tổn thương ở khớp.
- X-quang khớp vai: Trong một số trường hợp có thể nhận thấy hình ảnh gián tiếp của sự thoái hóa hoặc lắng đọng canxi ở gân cơ trên gai.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Chẩn đoán chính xác các tổn thương ở phần mềm của khớp vai.
- Nội soi khớp vai: Là thủ thuật xâm nhập, sử dụng khi cần can thiệp sâu.
Điều trị bệnh viêm quanh khớp vai
Điều trị viêm quanh khớp vai gồm điều trị cấp và điều trị duy trì. Có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau: Nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Điều trị nội khoa
Mục tiêu là giảm đau và chống viêm, duy trì khả năng vận động của khớp vai.
Người bệnh được đánh giá mức độ đau, chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp gồm: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, tiêm corticoid (cho trường hợp viêm quanh khớp vai thông thường và đau vai cấp tính).
Trong sinh hoạt và vận động thì người bệnh được yêu cầu bất động khớp vai một cách tương đối; Có thể sinh hoạt bình thường nhưng không thực hiện các động tác đột ngột, và dừng lại nếu thấy đau.Việc bất động tuyệt đối không được khuyến khích vì có thể dẫn tới hạn chế vận động khớp.
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị và hỗ trợ điều trị có tác dụng giảm đau, tăng cường tuần hoàn máu, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho khớp vai được khuyên dùng và ưu tiên hơn so với sử dụng thuốc.
Điều trị can thiệp
Phương pháp điều trị can thiệp bằng nội soi được sử dụng khi người bệnh bị rách đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay.
Trong một số trường hợp gân cơ chóp xoay không rách hoàn toàn, người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa nhưng không cho hiệu quả cao thì có thể cân nhắc phương pháp nội soi để tiến hành khâu phục hồi lại gân.
Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu
Phương pháp này áp dụng cho người bệnh bị viêm khớp, có tác dụng giảm đau hiệu quả.
Các bài tập vật lý trị liệu cho người bệnh viêm khớp
Song song hoặc sau quá trình điều trị thì người bệnh được khuyến khích phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Vận động là một trong những cách tốt nhất giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và lấy lại khả năng xoay sở cho khớp vai.
Bài tập 1: Dao động cánh tay
Người tập đứng cạnh mặt bàn, đặt tay lành lên trên mặt bàn, tay bị đau thì buông tự do.
- Cúi người xuống vừa phải.
- Thực hiện đung đưa tay ở bên vai bị đau từ trái sang phải, trước ra sau, xoay vòng tròn rồi ngược lại.
- Thực hiện trong 5 phút.
Bài tập 2: Bắt chéo tay đằng trước ngực
Người tập ở tư thế đứng thẳng, 2 tay buông tự do song song với thân.
- Tay đau bắt chéo ở đằng trước ngực, cánh tay thì đưa sang bên đối diện.
- Vòng tay không đau xuống bên dưới tay đau, dùng bàn tay để giữ lấy cánh tay bị đau, sử dụng lực để kéo cánh tay đó sang bên đối diện với vai đau.
- Giữ tư thế trong 30 giây sau đó từ từ thả lỏng về tư thế ban đầu.
- Thực hiện động tác 5 lần.
Bài tập 3: Xoay trong với gậy
Trong bài tập ngày người bệnh cần chuẩn bị 1 cây gậy có chiều dài lớn hơn một chút so với khoảng cách hai bên vai.
- Đưa gậy ra đằng sau lưng, sử dụng tay bị đau để nắm 1 đầu gậy.
- Tay kia nắm vị trí gần với tay bị đau.
- Sử dụng tay bình thường để kéo cây gậy về phía vai lành cho tới khi xuất hiện cảm giác đau.
- Giữ tư thế trong 30 giây rồi trở về vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác 5 lần.
Bài tập 4: Xoay ngoài với gậy
Trong bài tập này người dùng cũng sử dụng 1 cây gậy tương tự như ở bài tập 3.
- Hai tay nắm gậy ở đằng trước, khuỷu tay vuông góc.
- Từ từ di chuyển gậy theo phương ngang về phía tay bị đau tới khi không thể tiếp tục.
- Giữ nguyên tư thế trong 30 giây rồi quay trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện động tác trong 5 lần.
Bài tập 5: Kéo căng ở tư thế nằm
Đây là bài tập vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai rất hiệu quả.
- Người bệnh nằm nghiêng, để vai đau tiếp xúc với mặt sàn.
- Tay đau dựng lên vuông góc với sàn, lòng bàn tay hướng xuống.
- Sử dụng tay lành để giữ cổ tay, bàn tay bên đau và từ từ ép xuống cho tới khi xuất hiện cảm giác đau thì dừng.
- Giữ tư thế trong 30 giây rồi quay trở lại vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác 5 lần.
Trong quá trình thực hiện động tác cần giữ cho cánh tay nằm ở trên mặt đất, không được nhấc lên.
Bài tập 6: Chèo thuyền
Ở bài tập chèo thuyền người bệnh cần chuẩn bị 1 sợi dây thun hoặc lò xo có độ đàn hồi tốt, cố định 1 đầu.
- Dùng tay đau nắm lấy đầu không cố định của dây.
- Đứng cách xa vị trí buộc dây khoảng 3 bước.
- Sử dụng tay đau kéo dây về sau cho tới khi bàn tay ở vị trí ngang so với mặt phẳng thân người.
- Giữ tư thế trong 30 giây rồi trở về vị trí ban đầu.
Các bạn có thể thực hành bài tập này nhiều lần tùy theo thể trạng của cơ thể.
Ngoài các bài tập trên các bạn cũng có thể sử dụng máy tập phục hồi chức năng tay chân 3 trong 1, 4 trong 1 để thực hiện các bài tập quay tay, tác động tích cực đến vai, nhanh chóng hồi phục vận động, trở lại với cuộc sống và sinh hoạt thường nhật.
Trên đây là một số chia sẻ từ Daiviet Sport về bệnh viêm quanh khớp vai. Mong rằng qua các thông tin trong bài viết các bạn sẽ hiểu hơn về căn bệnh này.
Để phòng ngừa viêm quanh khớp vai các bạn nên tránh lao động quá sức, tác động quá mức tới vai, hạn chế tối đa các chấn thương ở vai. Nếu xuất hiện tình trạng đau ở vai nên đi khám để xác định tình trạng cụ thể và được tư vấn phương pháp xử lý phù hợp.
Nếu còn câu hỏi hay thắc mắc nào khác, hay có nhu cầu mua các máy tập phục hồi chức năng tay chân (3 trong 1, 4 trong 1, giường kéo giãn…) hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn cụ thể !