Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh lý khá thường gặp, liên quan đến hoạt động thể lực nặng nhọc hoặc vận động quá mức. Nó có thể bắt gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là ở những người đang trong độ tuổi lao động. Thống kế cho thấy khoảng 60 – 65% bệnh nhân có độ tuổi từ 20 đến 49 tuổi.
Thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt của người bệnh. Có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng ở thắt lưng là phổ biến nhất. Do bộ phận này nâng đỡ phần trên của cơ thể, đồng thời thường xuyên thực hiện các động tác cúi – ngửa người, xoay qua phải – trái, uốn cong…
Trong nội dung dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng - Điều trị bằng vật lý trị liệu. Qua đó giúp các bạn hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Hiểu về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Cột sống của chúng ta có dạng cong hình chữ S, gồm có nhiều đốt xương xếp chồng lên nhau. Ở giữa các đốt là nhân nhày, được cấu tạo bởi 3 thành phần chính là: Bao xơ, nhân nhày, và mỏm sụn. Các đĩa đệm có khả năng đàn hồi và biến dạng khi có lực tác động (chủ yếu là lực nén), giúp giảm chấn động tới thân của đốt sống, hạn chế sự va chạm trực tiếp giữa các xương.
Đĩa đệm – nhất là đĩa đệm cột sống thắt lưng phải thích nghi với lực cơ học lớn, chịu áp lực cao thường xuyên, trong khi được nuôi dưỡng kém bởi việc cấp máu hạn chế (chủ yếu là qua thẩm thấu). Do đó các đĩa đệm ở vị trí này thường sớm bị loạn dưỡng, thoái hóa, và nguy cơ tăng dần theo độ tuổi.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt), nhưng ở thắt lưng là phổ biến hơn cả, thường là ở các đốt L4 – L5 do 2 đĩa đệm này là bản lề vận động của toàn bộ cột sống. Nam giới cũng có tỉ lệ mắc cao hơn do thường đảm nhận các công việc nặng. Những người làm việc văn phòng ít vận động, ngồi nhiều dẫn tới sai tư thế cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị tại cột sống.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Khi bị thoát vị cột sống, bao xơ bị rách, nhân nhày thoát ra khỏi vị trí bình thường. Tùy theo việc nhân nhày có gây chèn ép tủy sống, dây thần kinh hay không mà người bệnh có những triệu chứng:
- Đau thắt lưng cấp tính: Xảy ra khi bị chấn thương, mang vật nặng, bưng bê sai cách. Người bệnh không thể cử động, có khi đi lại hoặc tiểu tiện cũng khó khăn. Trong một số trường hợp, người bệnh phải sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ thì các triệu chứng mới giảm.
- Đau mãn tính: Sau đợt đau cấp tính, về sau mỗi khi cần phải gắng sức thì cơn đau lại tái phát. Người bệnh khó thực hiện các động tác cần đến cột sống như: Cúi, nghiêng, ngửa, và xoay người. Trường hợp chèn ép rễ thần kinh thì cơn đau còn lan xuống chi dưới khiến người bệnh vận động khó, đau nhiều hơn khi đi - đứng – hắt hơi. Để xác định cụ thể tình trạng chèn ép thì người bệnh cần được chụp CT vi tính, chụp cộng hưởng từ MRI.
Khi có những biểu hiện của thoát vị đĩa đệm các bạn nên đến bệnh viện khám để xác định chính xác tình trạng bệnh lý, được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Không nên để lâu, bệnh trở nặng và biến chứng, khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp, mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm khác nhau:
- Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, chống co thắt cơ vân… Thoát vị đĩa đệm có nhiều giai đoạn (phồng đĩa đệm, xẹp đĩa đệm, lồi đĩa đệm, lồi có kèm theo chèn ép rễ thần kinh & tủy sống), do đó các bạn không nên tự ý mua thuốc về uống. Cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bởi một số thuốc có thể kèm theo tác dụng phụ, nhất là với những người có bệnh lý hen suyễn, dạ dày, huyết áp cao…
- Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp sử dụng các tác động vật lý như: Thủy trị liệu, nhiệt trị liệu, sóng cao tần, tia laser, kích thích điện… để giúp người bệnh phục hồi chức năng, lấy lại biên độ vận động, tăng cường sức mạnh cho cơ, khớp linh hoạt hơn.
- Phẫu thuật: Trường hợp dùng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả thì các bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng phương pháp phẫu thuật.
- Phương pháp khác: Ngoài các phương pháp kể trên thì người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị thay thế như: Châm cứu, bấm huyệt, nắn chỉnh xương khớp… Nhưng cần được thực hiện tại các trung tâm uy tín, bởi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề.
Nhìn chung, thoát vị đĩa đệm có diễn biến âm thầm, chỉ phát hiện ở giai đoạn chèn ép khiến người bệnh bị đau đớn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây đau đớn dữ dội, đau lan ra các vùng cơ thể khác, thậm chí là teo cơ, cứng khớp, khó vận động, đi tiểu khó khăn; Nặng hơn nữa là liệt chi, gây tàn phế.
Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Vật lý trị liệu được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý liên quan tới cơ – xương – khớp do đây là phương pháp an toàn, không xâm lấn, không gây tác dụng phụ (nếu thực hiện đúng kĩ thuật), có hiệu quả tốt – đặc biệt là với những trường hợp bệnh nhẹ. Ngay cả với trường hợp nặng thì vật lý trị liệu cũng có tác dụng hỗ trợ, và giúp phục hồi chức năng để người bệnh nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.
Vật lý trị liệu gồm có 2 nhóm chính là chủ động và thụ động.
Vật lý trị liệu thụ động
Được thực hiện tại bệnh viện, bởi các chuyên gia:
- Sử dụng nhiệt: Gồm có nhiệt nóng và nhiệt lạnh. Nhiệt nóng giúp tăng tuần hoàn máu đến vị trí bị tổn thương, thư giãn cơ, giảm đau. Nhiệt lạnh giảm co thắt, làm chậm lưu thông máu, tác động đến khả năng dẫn truyền thần kinh, cải thiện tình trạng phù nề và sưng viêm. Để chườm nóng các bạn có thể sử dụng muối rang, ngải cứu sao lên, bọc vào khăn rồi chườm; Hoặc chiếu tia hồng ngoại. Để chườm lạnh thì bọc đá viên vào khăn rồi chườm. Trong nhiều trường hợp có thể luân phiên cả chườm nóng và lạnh để nâng cao hiệu quả.
- Thủy trị liệu: Đây là quá trình sử dụng nước để điều trị bệnh và cải thiện sức khỏe. Nước có tính chất giữ nhiệt và năng lượng, là môi trường lý tưởng giúp người bệnh đạt được mục đích làm nóng hoặc lạnh toàn bộ hoặc một vùng cơ thể. Dòng nước luân chuyển trên bề mặt da giúp các thụ cảm thần kinh được kích thích, tăng tuần hoàn máu. Nhờ lực đẩy Ác – si – mét mà thủy trị liệu rất tốt cho người bị tổn thương xương khớp, đĩa đệm. Người bệnh sẽ được thư giãn trong các bồn tạo sóng để giảm sưng đau, phù nề.
- Kích thích điện: Sử dụng một dòng điện có cường độ nhỏ, chạy qua dây dẫn tới vị trí sưng đau của người bệnh. Dòng điện có tác dụng giảm đau nhờ vào khả năng ức chế sự dẫn truyền cảm giác đau lên não, kích thích cơ thể giải phóng endorphin ở não, giảm thiểu trương lực co cơ, giúp các cơ thư giãn.
- Sóng ngắn: Tăng tuần hoàn trong mô sâu, nhờ đó tăng cường dinh dưỡng đến các khu vực bị tổn thương, đồng thời loại bỏ các kháng thể viêm.
- Siêu âm: Biện pháp này kích thích màng tế bào rung lên, qua đó tăng cường hoạt động màng, thúc đẩy tuần hoàn cùng dinh dưỡng cục bộ, giảm đau và viêm rất tốt.
- Tia laser: Dùng tia laser cường độ cao để giảm đau và gây tê, kích thích quá trình tái tạo mô.
- Kéo giãn giảm áp cột sống: Sử dụng các dụng cụ vật lý trị liệu như giường kéo giãn bằng điện, thiết bị phục hồi chức năng 4 trong 1 để làm giãn cột sống, giảm sự chèn ép lên đĩa đệm, giúp đĩa đệm từ từ trở về vị trí tự nhiên.
- Massage mô sâu: Massage có thể tác động trên bề mặt da, hoặc sâu hơn vào tới các mô cơ, xương khớp. Massage mô sâu giúp giảm tình trạng co thắt và căng cơ, tăng cường chuyển động tại các vị trí thoát vị để chúng linh hoạt hơn. Với người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng các chuyên gia trị liệu sẽ tiến hành xoa bóp tại lưng dưới, hông, xương chậu, đùi để giảm đau và phòng ngừa những triệu chứng của đau thần kinh tọa.
Phương pháp điều trị tích cực
- Bài tập vận động: Các chuyên gia sẽ thiết kế bài tập dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể (vị trí và mức độ tổn thương). Với người bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng thì sự vững chức của cơ bụng là quan trọng nhất vì nó liên quan tới các hoạt động của cột sống lưng dưới. Nếu cơ bụng yếu sẽ gia tăng thêm áp lực lên lưng.
- Thủy trị liệu: Khác với thủy trị liệu thụ động, thì các bạn sẽ được hướng dẫn các bài tập ở dưới nước, có thể kết hợp với các động tác mát xa nhẹ nhàng. Do lực đẩy của nước toàn bộ cơ lưng được tập luyện mà không phải chịu nhiều tác động. Người bệnh dễ dàng hoàn thành bài tập mà không lo bị đau.
- Điều chỉnh sinh hoạt: Tư thế xấu, thói quen ăn uống vô độ, lười vận động… cũng là nguyên nhân khiến thoát vị hình thành và tiến triển xấu. Việc điều chỉnh tư thế khi ngồi, đi, đứng, thường xuyên thể dục, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ăn uống lành mạnh… sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị.
Trên đây là một số chia sẻ về Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng - Điều trị bằng vật lý trị liệu từ Daiviet Sport. Mong rằng các thông tin trong bài viết giúp các bạn hiểu hơn về căn bệnh này cũng như các triệu chứng, cách điều trị, từ đó chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn.
Nếu còn câu hỏi này khác, hay có nhu cầu trang bị máy tập thể dục, dụng cụ phục hồi chức năng… Hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn cụ thể !