Sụn chêm là một trong những bộ phận ở khớp gối dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trong khi luyện tập và thi đấu thể thao, hoặc chấn thương do vấp ngã, tai nạn. Rách sụn chêm khiến cho người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Trong nội dung dưới đây Daiviet Sport sẽ chia sẻ về Tập phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm khớp gối, qua đó giúp các bạn hiểu hơn về vị trí và chức năng của sụn chêm, nguyên nhân gây chấn thương, dấu hiệu nhận biết, cũng như cách điều trị và phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Vị trí và vai trò của sụn chêm
Sụn chêm nằm ở trong khớp gối – khớp lớn nhất trên cơ thể với vai trò gánh toàn bộ trọng lượng và thực hiện các di chuyển. Ngoài các gân, dây chằng, thì 3 xương cấu tạo nên khớp gối gồm có bánh chè, đầu trên của xương chày và đầu dưới xương đùi. Vị trí của sụn chêm nằm ở giữa của đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, chính là lớp đệm giữa 2 xương này.
Sụn chêm gồm có 2 tấm: Một nằm ở phía trong khớp, có hình chữ C. Tấm còn lại nằm ở phía bên ngoài khớp, có hình chữ O. Đặc điểm chung là độ đàn hồi cao.
Do vai trò của mình nên khớp gối cần có khả năng chịu lực lớn. Sụn chêm chính là bộ phận có vai trò quan trọng, tạo ra sự vững chắc cần thiết. Vai trò của sụn chêm là:
- Giúp cho lực phân bổ đồng đều lên toàn bộ khớp gối.
- Làm cho khớp trở nên vững chắc hơn.
- Hấp thụ lực tác động.
- Giảm xóc khi cơ thể di chuyển.
- Phân bố hoạt dịch bôi trơn cũng như dinh dưỡng sụn khớp, đảm bảo cho khớp hoạt động tốt.
- Tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không kẹt vào trong khe khớp.
Sụn chêm được phân chia thành sụn chêm trong và ngoài, có nhiệm vụ giảm xóc, hấp thu lực từ lồi cầu xương đùi, truyền xuống xương chày, giảm sang chấn cho sụn khớp và góp phần giúp khớp gối vững chắc hơn.
Nguyên nhân gây rách sụn chêm
Khi có một lực xoắn mạnh khiến cho gấp khớp gối đột ngột thì đầu gối sẽ phải chịu một sức nặng khiến cho rách sụn chêm. Đĩa sụn trong thường rách nặng hơn đĩa sụn chêm ngoài do được gắn chặt trên mâm chày.
Rách sụn chêm khớp gối thường xảy ra ở những vận động viên thể thao, nhất là ở những môn có cường độ vận động cao, tính cạnh tranh khốc liệt như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, bóng chày, tennis… Ngoài ra là chấn thương khi tham gia giao thông, tai nạn lao động.
Ở những người cao tuổi thì rách sụn chêm thường do tác động của quá trình thoái hóa, khi chuyển từ ngồi sang đứng đột ngột gây bất lợi cho sụn khớp. Khi đó, rách sụn chêm thường kèm theo bong, mòn sụn khớp.
Rách sụn chêm có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, các hình thái cũng rất đa dạng: Rách ngang, rách dọc, rách hình nan hoa, hình vạt, rách phức tạp.
Rách sụn chêm ở trẻ em thường là chấn thương thể thao, trong khi vui chơi, chạy nhảy, tai nạn giao thông. Đặc biệt, chấn thương trong tình trạng gấp gối, chân bị vặn xoắn rất có thể gây rách.
Rách sụn chêm ở người trưởng thành thường do chấn thương, cơ thể bị thoái hóa – nhất là ở người cao tuổi. Một số trường hợp đứng lên, ngồi xuống đột ngột cũng có thể gây rách.
Dấu hiệu rách sụn chêm
Khi vừa mới bị rách, sụn chêm người bệnh vẫn có thể hoạt động bình thường, thậm chí còn chơi thể thao được. Tuy nhiên, các cơn đau sẽ bắt đầu xuất hiện sau 2 – 3 ngày, khiến cho đầu gối sưng lên, vận động gặp nhiều khó khăn.
Các dấu hiệu bị rách sụn chêm đầu gối bao gồm:
- Có tiếng động khi sụn bị rách.
- Đầu gối bị đau và sưng to.
- Khớp gối bị kẹt.
- Khi vận động thì thấy có tiếng lục cục ở bên trong khớp.
- Gặp nhiều khó khăn khi đi lại, vận động.
- Khớp gối khó co duỗi.
- Đau nhức khi ấn vào khe khớp.
Khi có những dấu hiệu kể trên, nhất là vào thời điểm sau khi xảy ra va chạm, chấn thương thì các bạn nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Tại bệnh viện, việc chẩn đoán rách sụn chêm ngoài các dấu hiệu lâm sàng các bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang để đánh giá các xương ở khớp gối cũng như sụn chêm; Chụp cộng hưởng từ để có chi tiết về vị trí và mức độ tổn thương; Nội soi…
Phương pháp điều trị rách sụn chêm khớp gối
Rách sụn chêm có thể hồi phục được không?
Điều này tùy thuộc vào vị trí và mức độ rách. Cụ thể:
- Rách ở vị trí 1/3 bên ngoài: Do đây là vị trí được cung cấp máu tốt nên sẽ dễ liền và nhanh hồi phục. Vết rách nhỏ có thể tự liền, rách lớn có thể dùng phương pháp khâu bảo tồn bằng nội soi.
- Rách ở 2/3 bên trong: Vị trí này thường khó liền và khó hồi phục do hoạt động cung cấp máu đến nuôi dưỡng kém. Trong những trường hợp này người bệnh thường phải phẫu thuật để điều trị rách sụn chêm.
- Rách ở vị trí ½ bên trong: Trường hợp này hầu hết các tổn thương không thể liền, cần phải cắt bỏ phần rách thông qua nội soi.
Điều trị bảo tồn không phẫu thuật
Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh các vận động nặng khiến gia tăng cơn đau, nhất là các động tác vặn hoặc xoay khớp gối. Nếu như cơn đau trở nên nghiêm trọng thì cần sử dụng nạng gỗ để hỗ trợ di chuyển nhằm giảm áp lực lên đầu gối, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình hồi phục của sụn chêm.
Chườm lạnh có tác dụng giảm đau và sưng, viêm. Các bạn chỉ cần dùng đá viên bọc vào trong khăn mặt, sau đó chườm lên khớp gối trong 15 phút. Ngày có thể làm 2 – 3 lần. Áp dụng trong vài ngày đầu tiên sau chấn thương để giảm sưng đau.
Việc sử dụng nẹp gối sẽ giúp hạn chế các tổn thương có thể phát sinh tại khớp gối.
Nên để chân cao hơn so với tim để giảm sưng và đau cũng như giúp máu tuần hoàn về tim tốt hơn.
Bác sĩ cũng có thể cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm, cũng như xem xét tình trạng tổn thương để quyết định việc có nên sử dụng kháng sinh hay không.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật cắt toàn bộ sụn chêm rất ít khi được sử dụng. Phẫu thuật cắt 1 phần sụn chêm thường được áp dụng trong các trường hợp người bệnh bị rách sụn chêm ở tại vùng không có mạch máu.
Phương pháp khâu sụn chêm thông qua nội soi được áp dụng cho các bệnh nhân đã được điều trị phục hồi chức năng tích cực. Kĩ thuật này dùng để sửa chữa lại phần sụn bị rách hiệu quả hơn, nhất là ở trẻ em và thanh niên.
Trường hợp người già bị rách sụn chêm do thoái hóa thì các bác sĩ thường phẫu thuật thay khớp gối.
Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Người bệnh sẽ được thay băng và chăm sóc vết mổ hàng ngày, cắt chỉ sau 7 – 10 ngày.
Sau khi phẫu thuật người bệnh cần nẹp chân và bất động trong 3 tuần. Tiếp đó là khoảng thời gian thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để phục hồi lại khớp, chống teo cơ.
Bài tập phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm khớp gối
Việc kết hợp vật lý trị liệu với các bài tập vận động giúp người bệnh tăng biên độ vận động của khớp, tăng cường sức mạnh cho các cơ, giảm căng cứng hoặc dính khớp gối, nhanh chóng trở lại với các sinh hoạt thường ngày. Các bài tập cần được kiên trì áp dụng trong khoảng thời gian tối thiểu 6 tuần trở lên, và được chia thành các giai đoạn.
Giai đoạn 1: Tuần đầu sau phẫu thuật
Người bệnh cần đeo nẹp để chân được duỗi hoàn toàn, tránh việc ảnh hưởng đến sụn chêm, ngay cả trong khi ngủ.
Việc tập vận động có thể diễn ra từ ngày thứ 2 sau mổ, tuy nhiên không được gập quá 90 độ. Người bệnh được phép tháo nẹp khi ngồi và những thời điểm không đi lại. Việc tập luyện được hướng dẫn bởi các chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng.
Tập gồng đùi ở trong tư thế duỗi gối hoàn toàn, mỗi lần duỗi giữ trong 5 giây, làm 20 lượt, ngày thực hiện 3 lần.
Tập duỗi khớp háng trong tư thế nằm hoặc ngồi, giữ tư thế trong 5 phút, ngày 3 lần.
Khi đeo nẹp có thể tập vận động khớp háng và cổ chân.
Giai đoạn 2: Từ 02 - 06 tuần sau phẫu thuật
Thực hiện gồng cơ ở mặt trên của đùi 20 lần, giữ trong 5 giây, thực hiện 20 lượt, ngày 3 lần.
Tập duỗi thẳng khớp gối, nâng lên khỏi mặt sàn hoặc có gối để đỡ, giữ mỗi lần trong 5 phút, thực hiện 3 lần/ngày.
Tập gập – duỗi khớp khi tháo nẹp, nhưng không quá 90 độ, làm 20 lượt, ngày 3 lần.
Nằm với 2 chân duỗi thẳng và thực hiện co cơ tĩnh toàn bộ bên chân phẫu thuật rách sụn chêm.
Dạng - khép háng và vận động khớp cổ chân với đầu gối duỗi thẳng.
Sử dụng nạng và đeo nẹp đi bộ, để trọng lượng tăng dần vào bên chân phẫu thuật nếu không quá đau.
Giai đoạn 3 : Từ 06 đến 12 tuần sau phẫu thuật
Bỏ nẹp, đặt trọng lượng lên chân phẫu thuật và đi bộ với tốc độ chậm.
Thực hiện đứng lên từ tư thế ngồi trên ghế.
Gập duỗi gối với sức cản hoặc dụng cụ tập phục hồi tay chân (như dụng cụ phục hồi chức năng 3 trong 1, 4 trong 1).
Tập lên xuống cầu thang, sử dụng xe đạp tập thể dục cố định trong 10 – 20 phút tùy theo thể trạng.
Giai đoạn 4: 04 tháng sau phẫu thuật
Bắt đầu tập chạy, với các vận động viên thể thao thì thời điểm trở lại với luyện tập và thi đấu là sau 06 tháng.
Một số lưu ý khi tập phục hồi chức năng khớp gối
- Không nên cố quá sức.
- Sau khi tập nên chườm lạnh 15 – 20 phút để giảm phù nề - nếu có. Đầu gối sưng thường do tụ dịch, là dấu hiệu cho thấy bạn đã tập quá sức. Chườm lạnh là biện pháp tạm thời, bạn nên giảm cường độ và sức nặng của các bài tập.
- Địa điểm tập phục hồi chức năng cần thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, không có các vật dụng không cần thiết; Sàn nhà không trơn trượt.
Trên đây là một số chia sẻ về Phục hồi chức năng sau mổ rách sụn chêm khớp gối. Mong rằng qua các thông tin trong bài viết các bạn hiểu hơn về sụn chêm, những vấn đề thường gặp, cách xử lý khi bị chấn thương.
Nếu còn câu hỏi nào khác hoặc có nhu cầu mua thiết bị phục hồi chức năng, máy tập thể dục… hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn cụ thể !