Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng sức khỏe có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác cũng như giới tính. Người bệnh có những biểu hiện như: Bị liệt một bên mặt, méo miệng... Căn bệnh này tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây những ảnh hưởng nặng nề, để lại di chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.
Trong nội dung dưới đây Daiviet Sport sẽ cùng các bạn chia sẻ về Liệt dây thần kinh số 7 - Điều trị bằng vật lý trị liệu; Qua đó cùng hiểu hơn về căn bệnh này.
Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh gì ?
Dây thần kinh số 7 chính là dây vận động chi phối cơ mặt. Liệt dây thần kinh này là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ ở một bên mặt do tổn thương dây thần kinh mặt. Chúng ta cũng cần phân biệt trường hợp này với liệt mặt trung ương, là một tổn thương có liên quan tới não bộ.
Theo các bác sĩ: Thần kinh mặt có đường đi khá phức tạp, từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương – tuyến mang tai – tới các cơ ở vùng mặt. Đó là lý do các tổn thương vận động của nửa mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như từ thân não, ở dây thần kinh số 7, xương đá, tuyến mang tai…
Bị liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm ?
Như đã nói ở trên, tình trạng này tuy không đe dọa tính mạng nhưng để lại những di chứng nặng nề.
- Các biến chứng ở mắt: Có thể kể đến viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, và lộn mí. Các biến chứng này có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt bảo vệ, đeo kính, khâu một phần hoặc hoàn toàn phần sụn mí.
- Đồng vận: Người bệnh bị co cơ không tự chủ, phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo mỗi khi nhắm mắt. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
- Co thắt nửa mặt: Thường gặp ở những người bệnh nặng do tổn thương thần kinh có sự phân bố lại thần kinh một phần.
- Hội chứng nước mắt cá sấu: Ít gặp, biểu hiện thường thấy là người bệnh bị chảy nước mắt khi ăn.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.
- Chủ yếu nhất là do bị nhiễm lạnh đột ngột, do bị nhiễm vi rút, cảm cúm.
- Các yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh số 7, từ đó gây ra tình trạng liệt mặt ngoại biên.
- Do các chấn thương ở vùng mặt, thái dương, xương chũm, hoặc bị viêm nhiễm ở tai – mũi – họng.
Giới y khoa chia thành:
- Liệt dây 7 trung ương: Là tình trạng bị liệt mặt điển hình do các vấn đề từ trong sọ gây ra tai biến mạch máu não, u ở hệ thần kinh trung ương, u dây thần kinh thính giác.
- Liệt dây 7 ngoại biên: Liệt dây 7 từ thái dương trở ra còn gọi là liệt mặt Bell, nguyên nhân thường do bị lạnh hoặc viêm.
Triệu chứng và chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7
Các triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số 7 bao gồm:
- Mặt hơi bị xệ, có cảm giác cứng so với bình thường.
- Miệng có thể bị méo sang bên, khi uống nước thường bị trào ra ngoài.
- Liệt cơ khép vòng mi khiến cho mi mắt ở bên bị liệt không thể nhắm kín.
- Một số trường hợp thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hơn ở bên bị liệt.
- Khó cử động, việc thực hiện các động tác trong sinh hoạt hàng ngày như nói, cười khó khăn, thậm chí bị đau ở trong tai, đau đầu.
- Mất vị giác cũng như cảm giác của nước mắt.
- Bị tăng lượng nước bọt khi ăn, khi nói chuyện.
Việc chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 thường dựa trên các biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ hỏi cụ thể về trường hợp của người bệnh, xác định khu vực bị tổn thương, các triệu chứng đi kèm. Ngoài ra còn thực hiện một số thăm khám ở tai, họng và cổ, khám thần kinh. Người bệnh cũng có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ để xác định tổn thương trung ương hay ngoại biên; Các xét nghiệm khác: Công thức máu, lượng đường máu…
Điều trị liệt dây thần kinh số 7
Để điều trị liệt dây thần kinh số 7 các bác sĩ thường áp dụng nội ngoại khoa để tăng hiệu quả. Và cũng tùy theo liệt ngoại biên hay trung ương mà có hướng điều trị cụ thể.
Liệt dây thần kinh 7 ngoại biên
Người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa, sử dụng corticoid sớm với liều cao. Cần loại trừ các trường hợp người bệnh bị đái tháo đường, lao, loét dạ dày – tá tràng, các rối loạn tâm thần.
Ngoài ra còn có thể sử dụng thuốc chống vi rút, đặc biệt là cho những người bị bệnh do nhiễm vi rút, bị đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác tại vùng mặt.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa như vật lý trị liệu, châm cứu, các bài tập cho cơ mặt sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Liệt dây thần kinh 7 trung ương
Đầu tiên các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây tổn thương (u, nhồi máu, hay xuất huyết vùng thân não…) để có phương án điều trị cụ thể.
Để người bệnh phục hồi nhanh nhất thì việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần tránh các kích thích mạnh; Không cố điều trị cho hết liệt ở trong giai đoạn cấp tính của bệnh vì nó làm gia tăng trương lực cơ và gây ra hiện tượng co cứng.
Liệt mặt ngoại biên do lạnh nhìn chung lành tính, tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý giữ ấm cho phần mặt, tránh các cử động mạnh ở mắt. Còn do khối u, viêm nhiễm, vấn đề mạch máu thì cần có phương pháp đặc trị, tái khám thường xuyên.
Người bệnh cần được thăm khám định kỳ cho tới khi hết các triệu chứng. Điều này cũng giúp các bác sĩ kịp thời điều chỉnh phương pháp – nếu cần, cũng như phát hiện các biến chứng của bệnh.
Vật lý trị liệu liệt dây thần kinh số 7
Phục hồi chức năng dây thần kinh số 7 ở giai đoạn cấp tính (3 – 7 ngày)
Bao gồm phục hồi chức năng tổn thương thần kinh ngoại biên giúp cho người bệnh giảm tâm lý lo lắng, an tâm hợp tác để việc điều trị hiệu quả. Các biện pháp tập trung vào tăng tuần hoàn, để phòng biến dạng mặt cho người bệnh. Bên cạnh đó cần bảo vệ mắt, chống khô mắt cũng như viêm giác mạc, đảm bảo vệ sinh răng miệng cho người bệnh trong quá trình phục hồi.
Các bác sĩ trị liệu sử dụng nhiệt nóng kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng để kích thích vừa phải ở vùng cơ mặt cũng như giảm các biểu hiện nói cười.
Sử dụng băng dính chữ Y tại vùng trán, môi trên và dưới để giúp nâng cơ mắt, tránh tình trạng xệ mặt.
Người bệnh cần đeo kính râm, nhỏ mắt với nước muối sinh lý. Sử dụng băng để tạm thời che mắt tránh bị bụi, dị vật vào mắt gây tổn thương.
Hướng dẫn người bệnh vệ sinh răng miệng đúng cách.
Phục hồi ở giai đoạn bán cấp và mạn tính (7 ngày sau khởi phát)
Mục đích của vật lý trị liệu phục hồi chức năng trong giai đoạn này là tăng trương lực cơ, phục hồi lại cơ mặt bị teo, đồng thời cũng tăng cường tuần hoàn ở vùng mặt. Người bệnh được hướng dẫn để phục hồi chức năng giao tiếp, giữ vệ sinh răng miệng.
Các bác sĩ sử dụng nhiệt nóng để phục hồi lại chức năng dây thần kinh số 7, kết hợp với điện xung, điện phân, massage xoa bóp. Người bệnh cũng được hướng dẫn các bài tập vận động trị liệu.
Với vận động, người bệnh sử dụng gương để tập nhắm mắt huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, tập cười mỉm, nhăn trán, phát âm những từ có âm môi (B, P, U, I, A,...). Người bệnh nên tập riêng ở chỗ vắng để tránh ngượng ngùng.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc giãn mạch và kích thích dẫn truyền thần kinh, kết hợp với sử dụng vitamin nhóm B liều cao.
Hiện nay, phương pháp sử dụng laser được sử dụng phổ biến trong vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người bệnh bị liệt dây thần kinh số 7. Nó có các đặc điểm như công suất thấp, khả năng kích thích sinh học cao. Có thể kết hợp cùng với châm cứu cổ truyền để tác động lên các huyệt. Phương pháp này không xâm nhập, không gây đau nhức, không lây truyền bệnh, do đó được các chuyên gia cũng như bệnh nhân lựa chọn phổ biến.
Bài tập vận động trị liệu cho người bị liệt dây thần kinh số 7
Các bài tập cơ mặt
Bài tập này bao gồm các động tác cơ bản có khả năng tác động đến nhiều nhóm cơ khác nhau ở trên khuôn mặt.
- Người bệnh ngồi thả lỏng ở trước gương
- Sử dụng tay nhẹ nhàng để di chuyển 1 bên lông mày theo hướng lên trên
- Dùng tay để đẩy nhẹ lông mày trở lại về phía mũi
- Dùng tay đẩy nhẹ nhàng vùng da ở má, dưới mắt về phía của mũi
- Dùng tay để kéo nhẹ khóe miệng về phía của tai
- Nhấc khóe miệng lên phía trên
- Thực hiện phồng má, chu môi
Bài tập giúp nhắm mắt
- Đưa mắt nhìn xuống bên dưới
- Nhẹ nhàng đưa ngón trỏ lên mắt để giữ cho mắt nhắm
- Tay kia kéo căng lông mày lên
- Nhắm mắt lâu nhất có thể
- Dùng tay để ấn nhẹ 2 mí mắt lại gần với nhau.
Thời gian để người bệnh có thể phục hồi phụ thuộc vào độ tuổi, thời gian xảy ra chấn thương. Những người lớn tuổi thường bị nhão cơ, thần kinh thoái hóa dần theo thời gian nên sau phẫu thuật khả năng phục hồi không tốt bằng người trẻ. Một số người bị mắc các bệnh lý về corticoid, hút thuốc lá quá nhiều,... cũng có thể gây ra tình trạng thoái hóa thần kinh. Nhìn chung, nếu người bệnh tập luyện chăm chỉ thì chỉ sau 2 – 3 tháng là có thể phục hồi tốt.
Trên đây là một số chia sẻ về Liệt dây thần kinh số 7 - Điều trị bằng vật lý trị liệu từ Daiviet Sport. Mong rằng qua các thông tin được chia sẻ các bạn hiểu hơn về tình trạng liệt thần kinh ngoại biên, các nguyên nhân, triệu chứng, quá trình trị liệu phục hồi chức năng… từ đó chăm sóc bản thân cũng như người thân trong gia đình tốt hơn.
Nếu còn câu hỏi này khác, hay có nhu cầu mua máy vật lý trị liệu hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn cụ thể !