Quan điểm hiện đại chia y học ra thành 3 phần: Y học dự phòng, Y học điều trị và Phục hồi chức năng. Vật lý trị liệu là môt nhánh trong Phục hồi chức năng, các nhánh khác gồm có: Vận động trị liệu, tâm lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu.
Vật lý trị liệu cung cấp cho bệnh nhân những phương pháp điều trị giúp duy trì, tăng cường khả năng vận động và phục hồi tối đa các chấn thương.
Khi nào cần điều trị vật lý trị liệu? Trong nội dung dưới đây các bạn hãy cùng Daiviet Sport tìm hiểu chi tiết về vấn đề này.
Hiểu về vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được ứng dụng trong mọi lĩnh vực liên quan tới các bệnh lý về cơ – xương – khớp, thần kinh, hô hấp, tim mạch. Những người thực hiện công việc này được gọi là bác sĩ – chuyên gia trị liệu. Không chỉ điều trị về thể chất mà họ còn hỗ trợ người bệnh trong phục hồi tinh thần.
Về cơ bản, vật lý trị liệu được chia thành 2 hình thức chính là chủ động và thụ động:
Chủ động: Người bệnh phải vận động khá nhiều, tập trung vào các động tác kéo giãn và tăng sức mạnh cho hệ thống cơ bắp. Các bài tập giúp tăng cường tuần hoàn máu và giúp cho cơ bắp khỏe mạnh hơn, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi các vùng cơ thể bị tổn thương.
Thụ động: Người bệnh không cần phải hoạt động nhiều mà sẽ được trợ giúp bởi các chuyên gia trị liệu hoặc các loại máy móc. Các phương pháp thường được sử dụng bao gồm: Liệu pháp nhiệt (nóng hoặc lạnh), xoa bóp – bấm huyệt, sóng âm, đả trật khớp…
Một điểm thú vị ít người biết là vật lý trị liệu còn bao gồm cả việc giáo dục đào tạo giúp giảm nguy cơ chấn thương, hướng dẫn sử dụng các máy tập vật lý trị liệu, cách hoạt động hàng ngày đối với người bệnh bị tổn thương não bộ…
Áp dụng vật lý trị liệu giúp người bệnh kiểm soát cơn đau mà không cần đến thuốc giảm đau, tránh việc phải phẫu thuật, cải thiện khả năng di chuyển cũng như vận động, phục hồi nhanh và tốt hơn sau chấn thương hoặc đột quỵ, lấy lại khả năng cân bằng, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến quá trình lão hóa. Ngoài ra, vật lý trị liệu thể thao còn giúp các vận động viên nâng cao thành tích thông qua quá trình tối ưu hóa hoạt động của các bộ phân trên cơ thể cũng như sử dụng hệ thống cơ bắp theo hướng tối ưu nhất.
Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến
Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng gồm:
Cơ động học
Cơ động học kéo giãn sử dụng lực cơ học để làm giãn các khoang đốt sống thông qua việc tác động một cách phù hợp lên cột sống, bao gồm: Xoa bóp – massage, bấm huyệt, nắm chỉnh bằng tay, kéo giãn, sử dụng máy rung cơ học, các loại giường kéo giãn bằng điện hoặc cơ.
Sự tác động của lực giúp hạn chế áp lực lên đĩa đệm, giúp các đĩa đệm bị lệch có thể trở về vị trí ban đầu, giảm đau do tủy hoặc các rễ thần kinh bị chèn ép. Nó còn có tác dụng giảm cong vẹo cột sống, nhất là ở những người ngồi lâu khiến sai tư thế.
Vận động trị liệu
Vận động trị liệu có tác dụng: Tăng cường chức năng vận động cho các bộ phận trên cơ thể; Phục hồi chức năng xương khớp; Tăng cường sức khỏe cho các cơ, rèn luyện khả năng chịu đựng. Mục tiêu là người bệnh tự đáp ứng nhu cầu của bản thân trong việc ăn uống, đi lại, tham gia các trò chơi, hoạt động giải trí, tự thực hiện ngồi, đứng, di chuyển.
Có nhiều hình thức vận động khác nhau:
- Vận động thụ động: Áp dụng cho các bệnh nhân không có khả năng vận động, hạn chế bị teo cơ hoặc cứng khớp do ít hoặc không hoạt động.
- Vận động chủ động: Áp dụng cho những người bệnh có khả năng tự tập các động tác mà không cần sự hỗ trợ của nhà trị liệu.
- Vận động chủ động có hỗ trợ: Dùng cho những người vận động kém, cần trợ giúp từ kỹ thuật viên hoặc dụng cụ hỗ trợ như máy cơ học, thiết bị phục hồi chức năng 3 trong 1, 4 trong 1.
- Vận động có trợ lực: Sử dụng các công cụ hỗ trợ để tăng thêm lực, mục đích là gia tăng sức chịu đựng của cơ thể.
- Vận động kết hợp động tác: Luyện tập kết hợp với các bài đi bộ, đạp xe… Hiện nay có nhiều loại xe đạp, thiết bị tập tay chân cho người phục hồi chức năng, mang lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh.
Tác nhân vật lý
Đây là phương pháp điều trị tương đối thụ động và thường chỉ dùng tạm thời. Nó có tác dụng giảm đau tức thời cho người bệnh.
Các tác nhân vật lý phổ biến được sử dụng bao gồm:
- Nhiệt trị liệu: Bao gồm nhiệt nóng và lạnh. Nhiệt nóng giúp bệnh nhân được giãn mạch tại 1 vị trí hoặc toàn thân, qua đó giảm đau, viêm, giúp phục hồi nhanh các thương tổn. Nhiệt lạnh lại giúp co mạch, giảm sự dẫn truyền lên các dây thần kinh cũng như sự chuyển hóa của thần kinh.
- Thủy trị liệu: Sử dụng nước để tác động lên cơ thể với mục đích làm lành những tổn thương. Nước chính là 1 chất dẫn cực tốt đối với các mô của cơ thể.
- Ánh sáng: Sử dụng các tia hồng ngoại xa, tử ngoại, laze ánh sáng mặt trời để trị bệnh. Các bức xạ trong ánh sáng giúp loại bỏ vi khuẩn, kích thích sự sản sinh cũng như phát triển của tế bào bên trong cơ thể.
- Năng lượng điện: Sử dụng điện năng để kích thích các dây thần kinh và các cơ, giúp co cơ, tăng cường khả năng vận động cho các khớp. Nó cũng giúp giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh – các hóc môn tích cực có tác dụng làm hưng phấn như serotonin, endorphin…
Các loại hình vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có nhiều loại hình khác nhau, việc lựa chọn hình thức nào tùy thuộc vào bệnh lý cũng như mục đích.
- Vật lý trị liệu chỉnh hình: Giúp điều trị các chấn thương liên quan tới cơ, xương, dây chằng, gân và các mô liên kết; Rất hiệu quả với người bị gãy xương, bị bong gân, viêm các gân, viêm bao hoạt dịch, bệnh lý mãn tính, phục hồi sau các phẫu thuật chỉnh hình. Bệnh nhân được vận động khớp, tập sức mạnh và khả năng vận động.
- Vật lý trị liệu lão khoa: Hỗ trợ những người cao tuổi, chịu ảnh hưởng rõ rệt của quá trình lão hóa với các vấn đề liên quan đến loãng xương, viêm khớp, đãng trí, rối loạn khả năng thăng bằng. Mục đích là khôi phục lại khả năng vận động, giảm đau, tăng mức độ hoạt động cho người bệnh.
- Vật lý trị liệu thần kinh: Áp dụng với những người bị Alzheimer, Parkinson, chấn thương sọ não, bại não, chấn thương ở cột sống, đột quỵ. Quá trình trị liệu giúp tăng phản xạ ở các chi, điều trị tê liệt và tăng cường sức mạnh cho hệ thống cơ bắp, giảm teo cơ.
- Vật lý trị liệu nhi khoa: Chẩn đoán và điều trị các vấn đề về thể chất cũng như tinh thần ở trẻ, điển hình có thể kể tới: Chậm phát triển, bại não, nứt đốt sống, trẹo cổ, và các vấn đề về cơ – xương – khớp.
- Liệu pháp chăm sóc vết thương: Đảm bảo vết thương được cung cấp đầy đủ oxy và máu thông qua việc cải thiện tuần hoàn.
- Liệu pháp tiền đình: Điều trị các vấn đề liên quan tới thăng bằng mà thông thường nguyên nhân xuất phát từ các rối loạn ở tai trong.
- Điều trị thông mũi: Giúp thoát dịch ở các bệnh nhân bị phù bạch huyết cũng như các bệnh lý có thể gây tích tụ dịch ở bên trong cơ thể.
- Phục hồi sàn chậu: Áp dụng cho các bệnh nhân bị bí tiểu, đau vùng chậu ở cả nam và nữ do bị chấn thương, đại tiểu tiện không tự chủ.
Khi nào cần điều trị vật lý trị liệu ?
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng cần được áp dụng sớm thời điểm vừa xuất viện hoặc đã ổn định về sức khỏe. Trước tiên người bệnh sẽ được các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại thông qua chụp chiếu, thử sức cơ, đo tầm vận động của khớp, làm xét nghiệm, đánh giá khả năng teo cơ… và đưa ra phác đồ điều trị với các bài tập phù hợp thể trạng.
Thời gian đầu người bệnh có thể tập tại trung tâm phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trị liệu. Sau đó người tập có thể tự tập tại nhà, thỉnh thoảng tái khám để các bác sĩ kiểm tra và đánh giá sự phục hồi sau mỗi 1 – 2 tuần. Các bài tập có thể được bổ sung hoặc tăng thêm thời gian, cường độ tùy theo sự tiến triển của người bệnh.
Nếu có một trong các vấn đề sức khỏe sau thì bạn nên đi khám để được xác định tình trạng bệnh lý cũng như tư vấn phương pháp trị liệu phù hợp:
- Mắc các bệnh xương khớp: Thoát vị đĩa đệm cột sống, vẹo cột sống, viêm cột sống, thoái hóa một hay nhiều khớp, hội chứng ống cổ tay, viêm đa rễ, hoặc liệt dây thần kinh ngoại biên…
- Tổn thương thần kinh – cơ: Điển hình là chứng bại não, bị chấn thương sọ não, người đột quỵ, viêm màng não, có tổn thương ở tủy sống.
- Người bị dị tật bẩm sinh, có các rối loạn di truyền.
- Người bị chấn thương do ngoại lực: Trật khớp, giãn dây chằng, căng dãn cơ bắp quá mức.
- Người bị tai biến: Nên tập sớm để phục hồi lại các chức năng cơ thể vốn bị tổn thương.
- Người đang trong quá trình phục hồi sau khi phẫu thuật: Nhất là các phẫu thuật mổ xương, dây chằng đầu gối, thay khớp, hoặc có liên quan tới thần kinh cột sống, não bộ.
- Người mắc các bệnh lý về đường hô hấp: Hen, viêm phổi, tắc nghẽn phổi
- Người mắc các bệnh lý mãn tính: Đái tháo đường, cao huyết áp, đau bao tử, viêm tụy mãn.
Trên đây là những chia sẻ về Khi nào cần điều trị vật lý trị liệu từ Daiviet Sport. Qua các thông tin trong bài viết giúp các bạn hiểu hơn về Vật lý trị liệu, các phương pháp thường được áp dụng cũng như ứng dụng thực tiễn của nhánh y khoa này.
Nếu các bạn còn câu hỏi nào khác, hoặc có nhu cầu mua thiết bị phục hồi chức năng, các loại máy tập thể dục… Hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn cụ thể!