Giãn tĩnh mạch là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh mạch máu ngoại biên. Nó không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn cả sinh hoạt của người mắc; Nhiều trường hợp thậm chí phải cắt bỏ chân do tình trạng viêm nhiễm nặng.
Trong nội dung dưới đây Daiviet Sport sẽ chia sẻ với các bạn về Suy giãn tĩnh mạch chân và Điều trị bằng vật lý trị liệu. Qua đó cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.
Hệ tĩnh mạch chi dưới và bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Hệ tĩnh mạch có chức năng đảm bảo việc nhận máu từ ngoại biên để đưa trở về tim, thông qua 2 hệ thống là tĩnh mạch nông và sâu. Tĩnh mạch nông đảm nhiệm 1/10 lượng máu trở về tim, còn tĩnh mạch sâu đảm nhiệm 9/10 lượng máu về tim.
Cơ chế vận chuyển máu từ tĩnh mạch chân về tim là: Nhờ vào lực đẩy ở chân lúc đi lại, nhờ lực hút khi chúng ta hít thở, và nhờ hệ thống van 1 chiều có tác dụng chống chảy ngược. Do vấn đề nào đó khiến cho một trong 3 cơ chế bị hạn chế khiến cho máu không trở về tim được và ứ đọng ở chân, gây nên bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân.
Theo các bác sĩ: Suy giãn tĩnh mạch chi dưới khá phổ biến, do hiện tượng trào ngược máu ở bên trong tĩnh mạch, gây giãn (d > 3 mm), tĩnh mạch hình lưới (d = 1 – 3 mm), tĩnh mạch mạng nhện (d < 1 mm). Tại chân, trào ngược có thể xảy ra ở cách tĩnh mạch nông và sâu. Ở tĩnh mạch nông liên quan đến tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé cùng với các nhánh của nó nằm ở giữa da và mạc cơ, có thể áp dụng điều trị bằng phẫu thuật. Tĩnh mạch sâu liên quan đến tĩnh mạch đùi và các tĩnh mạch sâu khác nằm ở bên dưới mạc cơ, rất khó để có thể can thiệp bằng phẫu thuật.
Những trường hợp bị giãn tĩnh mạch nhẹ thường chỉ gây khó chịu hoặc mất thẩm mỹ, trường hợp nặng có thể gây phù ở chân, lở loét.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch
- Do di truyền: Thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch có bố hoặc mẹ bị mắc bệnh.
- Giới tính: Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ thường cao hơn so với nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén cũng như thói quen sử dụng giày cao gót.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch nói chung và ở chân càng cao hơn.
- Nghề nghiệp: Những người do tính chất công việc mà phải đứng quá nhiều như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng…
- Trọng lượng cơ thể: Thừa cân, béo phì gây tác động lên đôi chân, khiến cho máu bị dồn về phía chân.
- Thuốc: Sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một trong những yếu tố khiến gia tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch.
- Các bệnh lý: Nhiễm trùng, khối u, người bị gãy xương đang bó bột, nằm bất động lâu ngày… cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng và các giai đoạn của bệnh giãn tĩnh mạch
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch
Các triệu chứng phổ biến của suy giãn tĩnh mạch gồm:
- Cảm giác đau tức nặng và mỏi ở chân khi phải đứng lâu.
- Thỉnh thoảng xuất hiện phù nề ở cẳng chân cũng như bàn chân.
- Cảm giác đau khi di chuyển nhiều.
- Sưng nề và tím ở chân, nhất là cẳng chân và phần mu bàn chân.
- Bị tê, ngứa ở chân, nặng hơn là viêm da, xơ cứng, lở loét.
Các giai đoạn suy giãn tĩnh mạch
- C0: Không nhận thấy dấu hiệu của bệnh lý tĩnh mạch.
- C1: Giãn mao mạch hoặc tĩnh mạch dạng lưới.
- C2: Giãn tĩnh mạch.
- C3: Phù chân.
- C4: Thay đổi da và mô dưới da (thay đổi sắc tố hoặc chàm; Xơ da hóa mỡ hoặc bạch sản).
- C5: Loét đã lành.
- C6: Loét đang hoạt động.
Điều trị bệnh giãn tĩnh mạch
Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể cũng như tiến triển của bệnh mà các bác sĩ chỉ định 1 biện pháp riêng lẻ hay kết hợp nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch khác nhau.
- Sử dụng băng ép và tất (vớ) tạo áp lực: Băng và vớ có tác dụng vào các bắp cơ ở chân để tạo ra một áp lực lớn ở phía bên dưới, từ đó giúp cho các van tĩnh mạch khép lại, máu lưu thông về tim thuận lợi hơn. Hai dụng cụ này giúp làm chậm tiến triển của bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát, cũng như hỗ trợ cho các biện pháp điều trị ngoại khoa.
- Sử dụng thuốc: Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau, các loại thuốc hỗ trợ tĩnh mạch.
- Chính xơ: Một loại dung dịch đặc biệt sẽ được tiêm vào tĩnh mạch và gây ra các phản ứng viêm kết hợp với sự nén ép lên tĩnh mạch, khiến cho máu không vào được các tĩnh mạch bị giãn, kết quả là khiến cho các tĩnh mạch đó bị xơ hóa và không còn hoạt động.
- Phẫu thuật: Được chỉ định trong các trường hợp xảy ra tổn thương tĩnh mạch nông. Đoạn tĩnh mạch bị giãn sẽ bị cắt bỏ thông qua một số đường rạch nhỏ. Ca phẫu thuật sẽ kéo dài trong khoảng 5 – 10 phút. Sau đó người bệnh được tiến hành băng ép và được yêu cầu nằm bất động trong 3 ngày.
- Điều trị can thiệp nội mạch: Sử dụng năng lượng la - ze hoặc sóng cao tần để loại bỏ các tĩnh mạch bị trào ngược, giúp máu chỉ chảy qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác.
Bài tập vật lý trị liệu điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Bài tập Buerger Allen
Đây là bài tập trị liệu suy giãn tĩnh mạch chân lâu đời, có tác dụng giúp cải thiện máu lưu thông xuống 2 chi dưới và hạn chế tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Động tác dựa trên cơ chế kiểm soát nhịp nhàng lưu lượng máu đi xuống phần dưới của cơ thể.
- Người bệnh nằm trên giường và đưa 2 chân lên cao.
- Giữ nguyên tư thế cho tới khi 2 bàn chân chuyển sang sắc trắng, nhợt nhạt.
- Ngồi dậy, 2 chân thả lỏng, buông thõng dưới sàn cho tới khi hồng hào trở lại.
- Nằm xuống, duỗi thẳng chân, cả thân người từ đầu tới chân tạo thành một đường thẳng.
- Thực hiện bài tập này trong 10 – 12 lần.
Bài tập nhón gót
Giúp tăng cường cơ ở bắp chân, ngăn ngừa sự phát sinh suy giãn ở các tĩnh mạch mới, giảm tình trạng bệnh ở các tĩnh mạch cũ.
- Người bệnh đứng ở tư thế bình thường.
- Nhón gót và dồn trọng tâm cơ thể xuống các ngón chân.
- Giữ tư thế trong khoảng 15 giây.
- Hạ gót chân và trở về tư thế ban đầu.
- Lặp lại bài tập trong 20 lần.
Bài tập nâng cao chân ra phía sau
Giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở hông, đùi và bắp chân.
- Người bệnh nằm sấp, bụng áp xuống sàn.
- Nâng chân lên và tạo góc 30 độ với 2 chân chụm lại. Sau đó cố gắng duỗi thẳng chân nhưng không gập cong đầu gối.
- Khi tiến hành cần nhẹ nhàng và chậm rãi để không làm tổn thương đến các cơ bắp.
- Giữ nguyên tư thế trong 10 giây rồi trở về như ban đầu.
- Các bạn nên thực hiện động tác này 15 lần/ngày.
Lưu ý: Không áp dụng cho phụ nữ trong thai kì.
Bài tập nâng chân phía ngang hông
Mang lại nhiều lợi ích cho hông và đùi, tăng cường sức mạnh cho đôi chân và cải thiện lưu thông máu.
- Nằm nghiêng qua phải, khuỷu tay chống lên mặt sàn để đỡ đầu. Tay trái thì đặt xuôi theo thân hoặc chống bàn tay xuống.
- Từ từ nâng chân bên trái lên và tạo độ cao 45 độ. Giữ tư thế trong 10 giây.
- Hạ chân xuống để trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện động tác 15 lần sau đó đổi bên và đổi chân.
Chú ý: Những người có vấn đề ở lưng cần cẩn trọng khi thực hiện động tác này. Nếu thấy đau lưng thì nên ngừng lại ngay.
Bài tập đạp xe trên không
Tác động tích cực đến quá trình lưu thông máu toàn cơ thể, nhất là ở chân. Nó còn có tác dụng loại bỏ mỡ thừa và săn chắc cơ vùng bụng, cơ đùi, cơ bắp chân.
- Người bệnh nằm ngửa trên bề mặt mềm để không bị đau lưng khi thực hiện động tác (những người có vấn đề ở lưng không nên thực hiện bài tập này).
- Nâng 2 chân lên cao, đầu gối gập thành góc 60 độ.
- Đẩy 1 chân về trước rồi thu chân lại để tạo thành một chuyển động tròn. Làm tương tự vời chân bên kia. Động tác này tương tự như bạn đang đạp 1 chiếc xe ở trên không.
- Thực hiện 25 – 30 lần mỗi hiệp, và 3 hiệp tập, nghỉ 10 giây giữa các hiệp.
Nếu thời tiết đẹp bạn có thể đạp xe đi dạo, sử dụng xe đạp tập trong các khu chức năng chuyên về thiết bị thể thao ngoài trời, hoặc sử dụng xe đạp tập được tích hợp trên các thiết bị phục hồi chức năng 3 trong 1, 4 trong 1…
Side lunge
Bài tập này rất tốt cho người bị giãn tĩnh mạch chân, giúp phục hồi chức năng.
- Hai tay chống vào hông, hai chân dang rộng bằng vai.
- Nâng chân phải lên và bước rộng sang ngang. Tiếp đó khuỵu đầu gối bên phải xuống. Giữ cho chân trái thẳng, đầu gối không bị cong.
- Giữ tư thế trong 10 giây rồi trở về vị trí ban đầu.
- Lặp lại tương tự với chân bên kia.
- Thực hiện động tác 10 lần cho mỗi chân là 1 hiệp, tập trong 3 hiệp.
Lưu ý: Những người có vấn đề về đầu gối cần tập từ từ, nhẹ nhàng, nếu thấy đau thì ngừng lại.
Bài tập xoay cổ chân
Bài tập xoay cổ chân có tác dụng giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch hình thành và phát triển. Ngoài ra nó còn giúp tăng cường cơ bắp và điều trị đau ở chân.
- Nằm ngửa, co đầu gối để nâng chân trái lên ngực, dùng 2 tay để giữ chân đang co.
- Xoay bàn chân trái theo chiều kim đồng hồ trong 5 vòng, sau đó lại xoay 5 vòng theo chiều ngược lại.
- Từ từ trở về tư thế ban đầu.
- Làm tương tự với bên chân còn lại.
- Thực hiện 15 lần một cách chậm rãi. Ngừng tập nếu thấy đau.
Bài tập nâng chân vuông góc
Đây là bài tập đơn giản nhưng hiệu quả (tuy nhiên những người có vấn đề sức khỏe ở lưng không nên thực hiện động tác này).
- Người bệnh nằm trên một tấm thảm hoặc bề mặt mềm với 2 chân thẳng, 2 tay đặt xuôi dọc theo thân người.
- Một chân giơ thẳng lên cao, vuông góc với thân.
- Giữ tư thế trong 15 giây, có thể dùng tay đỡ trợ lực cho hông – nếu cần.
- Hạ chân xuống để trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện 15 lần trở lên cho mỗi bên chân.
Trên đây là một số chia sẻ về Suy giãn tĩnh mạch chân và Điều trị bằng vật lý trị liệu từ Daiviet Sport. Mong rằng các bạn đã có được những thông tin hữu ích về căn bệnh này, giúp chăm sóc bản thân cũng như người thân trong gia đình tốt hơn.
Nếu còn câu hỏi nào khác hay có nhu cầu mua máy tập phục hồi chức năng tay chân, máy tập thể thao tại nhà… Hãy liên hệ với Daiviet Sport để được tư vấn tốt nhất !